Tuyên truyền và tưởng niệm Lê_Lai

Phố Lê Lai

Tại Hà Nội

Đây là con phố nhỏ thuộc phường Lý Thái Tổ, tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, dài 420m, kéo từ phố Đinh Tiên Hoàng đến phố Trần Quang Khải.

Phố được chia làm hai đoạn. Đoạn từ Đinh Tiên Hoàng tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ - Ngô Quyền là đường một chiều (theo hướng Đinh Tiên Hoàng sang), đối xứng chiều với phố Lê Thạch song song qua vườn hoa Lý Thái Tổ. Phần kia là đường hai chiều.

Phố được xây trên nền đất của hai thôn cũ là Vọng Hà và Hậu Bi thuộc hai tổng Tả Túc và Hữu Túc, đều thuộc huyện Thọ Xương. Phố có từ thời Pháp thuộc, được phân ra làm hai phố là Rue Dominé (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ - Ngô Quyền) và Rue Bonhour (đoạn từ đường Trần Quang Khải tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ - Ngô Quyền). Sau năm 1945, hai phố này được gộp làm một và được đặt tên là Lê Lai.

Tại Thanh Hóa

Tại huyện Ngọc Lặc quê hương ông, trước đây có Phố Lê Lai (nay là Đường Phố Cống, thị trấn Ngọc Lặc).

Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa quyết định đặt tên Đại lộ Lê Lai cho con đường lớn mới mở nối từ đường Hồ Chí Minh vào khu trung tâm hành chính mới của huyện Ngọc Lặc.

Đền thờ Lê Lai

Rước kiệu từ làng Thành Sơn về Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai.

Đền thờ Lê Lai (dân địa phương gọi là đền Tép) thuộc địa phận làng Tép (Thôn Thành Sơn), xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, cách khu di tích Lam Kinh 5 km về phía Tây, được nhà nước công nhận là di tích quốc gia. Hàng năm vào các ngày mùng 8 tháng Giêng và 21/8 âm lịch địa phương đều mở hội, rước kiệu và dâng hương tại Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (hay còn gọi là Đền Tép). Năm 2013, phần chính điện đã bị cháy. Hiện nay đã được phục dựng.[13].

Trường Trung học phổ thông Lê Lai

Tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập Trường THPT Lê Lai.

Tại các nơi khác

Tên ông được đặt cho nhiều con đường trên khắp Việt Nam như đường Lê Lai ở phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; đường Lê Lai, thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng.